Trang chủ
 Trang bị sức mạnh




Ngôn ngữ khác:

Català
Deutsch
English
Español
Français
Ελληνικά / Elliniká
Italiano
Português
Română
Српски / Srpski
Tiếng Việt
Türkçe

                                        

Các trang khác

Học Phần

Sơ đồ

Từ khóa

Liên hệ

Tư liệu sử dụng

Liên kết hữu ích

Ghi chép bài giảng


NHÂN TỐ CON NGƯỜI VÀ TRAO QUYỀN CHO CỘNG ĐỒNG

Tổng Kết Các Nghiên Cứu Về Nhân Tố Con Người

Hè 2008, Tập 14, Số 1, Ấn Bản Đặc Biệt

Tiến sĩ Phil Bartle Nhà sáng lập Tổ Chức Trao Quyền Cho Cộng Đồng

Victoria, British Columbia

Tóm tắt phương pháp

Trao Quyền Cho Cộng Đồng, phương pháp hiệu quả nhằm tăng cường sức mạnh cộng đồng, xuất phát từ ý tưởng: năng lực cộng đồng không thể được xây dựng mà phải được khuyến khích để tự phát triển. Cộng đồng là một tổ chức , một phần của văn hóa, ý tưởng và hành động được học bởi con người, do đó nó khác với cá thể. Các nghiên cứu về lĩnh vực này đã chỉ ra rằng sức mạnh của cộng đồng được dựa trên 16 nhân tố. Chúng được quy về 6 phương diện của văn hóa, và do đó trở thành một phần của phương pháp Nhân Tố Con Người coi cộng đồng như một con người.

Giới Thiệu

Tất cả các sinh viên xã hội học và nhân loại học dù là mới nghiên cứu đều biết được rằng con người có nghĩa là văn hóa (Henslin, 2004). Quá trình học hỏi của con người chính là quá trình tiếp thu và tiếp biến văn hóa trong suốt cuộc đời.(1) Văn hóa và các thể chế của nó, hay chính là xã hội, không phải được cấu tạo bởi con người mà là tập hợp của suy nghĩ và hành động của con người, văn hóa (những thứ mà làm cho ta trở thành người) và chỉ con người mới có.

Cộng đồng là một trong những thể chế cổ xưa nhất của nhân loại và dường như đã tồn tại từ khi có con người. Cũng giống như các thể chế xã hội khác, cộng đồng không thể được cảm nhận, nhìn thấy hay nghe thấy, cộng đồng là một cấu trúc xã hội, giống như mô hình một phân tử. Một cộng đồng không phải là một con người, không thể ăn, suy nghĩ, đánh giá hay đùa chơi. Và chúng ta không thể nhân loại hóa nó nếu muốn hiểu nó và dự đoán những hành động của nó một cách chính xác.(2)

Nguốn Gốc Phương Pháp Trao Quyền Cho Cộng Đồng

Phương pháp trao quyền cho cộng đồng không ra đời từ những nỗ lực nghiên cứu học thuật. Nó ra đời từ thực tế công việc như là một phương tiện để giải quyết một vấn nạn cực kì khó khăn, vấn nạn đói nghèo. Điều đó có nghĩa là không có một con đường lí thuyết của các xuất bản học thuật về đề tài này. Khi Anhxtanh viết những lí thuyết của ông vào đầu thế kỉ 20, mọi người đều biết ý nghĩa của các thành tố là e, m, c, nhưng chỉ ông mới có khả năng đặt chúng lại với nhau để tạo ra một cách thức nhìn nhận mới về vũ trụ của chúng ta. Bạn có thể nghĩ rắng các nhân tố của phương pháp trao quyền đã được biết đến như thế, nhưng thực ra không phải vậy.

Nhân Tố Con Người và Trao Quyền Cho Cộng Đồng

Phương pháp tiếp cận nhân tố con người phát triển từ sự cần thiết phải nghiên cứu toàn diện con người, bao hàm cả các mặt tinh thần. Phương pháp trao quyền cho cộng đồng phụ thuộc vào một phân tích về văn hóa nhân loại trên 6 phương diện, một trong số đó là các yếu tố tinh thần bao gồm tín ngưỡng và thế giới quan. Các phương diện đó là: khoa học kĩ thuật, kinh tế, chính trị, xã hội, giá trị và thế giới quan. Vai trò của mỗi phương diện trong trao quyền được trình bày dưới đây.

Trao Quyền và Phát Triển

Nhiều người cho rằng phát triển cộng đồng và trao quyền cộng đồng là tương đồng. Phát triển là làm cho cộng đồng lớn rộng hơn và phức tạp hơn còn trao quyền khiến cho cộng đồng trở nên mạnh mẽ hơn. Thực ra hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau dù có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Trao quyền cho cộng đồng khác với phát triển cộng đồng ở chỗ không có nguồn gốc hay xu hướng thực dân, không hạn chế với các cộng đồng nông thôn, và dựa trên sự đánh giá toàn diện về cộng đồng bao gồm 6 phương diện văn hóa và 16 nhân tố của sức mạnh cộng đồng.

Sự phát triển, bao gồm sự phát triển của một cộng đồng, là một sự gia tăng của những mối quan hệ phức tạp. Đó không chỉ là một sự gia tăng đơn thuần về kích thước đo lường, chẳng hạn như dân số, vùng lãnh thổ sinh sống hay sự giàu có. Sự phát triển đó giống như sự lớn lên một cái cây hơn là việc xây dựng một cỗ máy. Hãy nghĩ đến một hạt cây sồi nhỏ. Nó sẽ không lớn lên thành một hạt khác với kích cỡ to bằng ngôi nhà mà nó sẽ lớn thành một cây sồi.

Một khi cộng đồng trở nên mạnh hơn cũng có nghĩa là cộng đồng có nhiều quyền lực hơn. Khả năng nó đạt được những điều mà các thành viên của nó mong muốn cũng sẽ tăng lên cũng như tăng cường năng lực cộng đồng. Chúng ta có thể thúc đẩy một cộng đồng phát triển năng lực tự thân của nó chứ không thể xây dựng năng lực cho nó.

Phương pháp trao quyền dựa trên những áp dụng thực tế của khoa học xã hội. Nó vượt lên các phương pháp phát triển truyền thống. Nó coi cộng đồng như một tổ chức sống, một cấu trúc văn hóa, sinh học và tự lớn mạnh lên nhờ nỗ lực tranh đấu và thực nghiệm.

Khi chúng ta mang đến cho cộng đồng mọi thứ và làm thay họ mọi việc, họ sẽ trở thành những kẻ lười biếng và dựa dẫm. Có những hoàn cảnh mà viện trợ nhân đạo là hoàn toàn phù hợp chẳng hạn như sau một thảm họa tự nhiên hay nhân tạo khi mà sự viện trợ quyết định sự sống và cái chết. Tuy nhiên nếu sự viện trợ đó kéo dài quá lâu, nó sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc, làm cộng đồng càng trở nên èo uột, nghèo đói. Quá lâu ở đây có thể là hơn một vài tháng chứ không hẳn là một vài năm như nhiểu người vẫn nghĩ. Cũng như các cơ thể sinh học bị teo đi, cộng đồng dựa vào viện trợ sẽ mất khả năng tự chủ.

Các Nhân Tố Cơ Bản Của Trao Quyền

Năm nguyên lí của trao quyền:

  1. Sự trợ giúp là rất cần thiết nhưng không nên là viện trợ và làm cho cộng đồng trở nên yếu ớt và phụ thuộc mà phải là trợ giúp trên tinh thần hợp tác giúp đỡ đào tạo nhằm khuyến khích sự tự chủ và nâng cao năng lực cộng đồng.
  2. Không nên ép buộc tổ chức hay cộng đồng tiếp nhận phải thay đổi. Các nhà động viên cộng đồng nên can thiệp trên tinh thần thúc đẩy, thông tin và hướng dẫn. Tuyệt đối tránh cách làm quy hoạch xã hội. Sự thuyết phục, thông tin hướng dẫn và sự động viên là rất cần thiết.
  3. Tổ chức chỉ có thể mạnh hơn qua hành động, đấu tranh và đối mặt với khó khăn. Phương pháp trao quyền có bao hàm nguyên lí tổ chức xã hội này.
  4. Sự tham gia thực tế của người tiếp nhận đặc biệt trong quá trình ra quyết định có vai trò rất quan trọng trong gia tăng sức mạnh cộng đồng.
  5. Mục tiêu của chúng ta là làm sao để ngay từ đầu các thành viên cộng đồng nắm toàn quyền kiểm soát, tham gia đầy đủ vào việc ra quyết sách và chấp nhân toàn bộ trách nhiệm về những hành động nhằm nâng cao năng lực cộng đồng.

Xem chi tiết về các nguyên lí này tại Bartle 2004

Đây là những nguyên lí cốt lõi của phương pháp trao quyền. Mỗi phương diện văn hóa, mỗi nhân tố sức mạnh đều được đề cập đến trong quá trình giúp đỡ cộng đồng tự gia tăng sức mạnh, dựa trên các nguyên lí này.

Các Nhân Tố Của Sức Mạnh

Sau 40 năm, phương pháp thúc đẩy cộng đồng tự tăng cường sức mạnh đã hé mở ra 16 nhân tố sức mạnh(3) Những khám phá mới đây chứng tỏ rằng (4) 16 nhân tố này cũng cấu trúc nên sức mạnh của một gia đình hay bất cứ một tổ chức xã hội nào khác

Mười Sáu Nhân Tố Của Sức Mạnh

Tính tập thể:

Mức độ mà các cá nhân sẵn sàng cống hiến lợi ích của cá nhân cho lợi ích cộng đồng (mức độ rộng lượng, sự khiêm nhường cá nhân, lòng tự hào tập thể, sự hỗ trợ lẫn nhau, sự trung thành, sự quan tâm, tình đồng chí anh em). Khi một cộng đồng phát triển tính tập thể, năng lực của nó cũng phát triển. (Khi các cá nhân, gia đình và phân nhóm tự cho mình quyền tham lam ích kỉ trên lợi ích của cộng đồng, cộng đồng sẽ suy yếu).

Hệ giá trị chung:

Mức độ mà theo đó các thành viên trong cộng đồng chia sẻ chung một hệ giá trị, đặc biệt là niềm tin rằng họ thuộc về một thực thể chung vượt lên trên lợi ích của các cá thể tồn tại trong đó. Cộng đồng càng có nhiều cái chung, chẳng hạn như sự am hiểu và dung hòa các giá trị và thái độ sống, cộng đồng sẽ càng mạnh. (Sự phân biệt chủng tộc, định kiến và ganh ghét làm suy yếu bất cứ cộng đồng hay tổ chức nào).

Dịch vụ công cộng:

Các công trình và dịch vụ công cộng (đường xá, chợ, nước sạch, y tế, giáo dục) và tình trạng sử dụng (bảo trì và sửa chữa), sự bền vững và mức độ được tiếp cận chúng của mọi thành viên cộng đồng. Mức độ tiếp cận càng nhiều, cộng đồng càng trở nên mạnh. (Đo lường năng lực cộng đồng bao gồm cả các trang thiết bị, công cụ, vật tư cung ứng, tiếp cận dịch vụ vệ sinh công cộng,và các cơ sở vật chất khác dành cho làm việc, vấn đề cá nhân và sức khỏe.

Giao tiếp:

Trong một cộng đồhông và giữa các cộng đồng với nhau, thông tin liên lạc có thể được truyền đi bằng đường bộ, các phương tiện điện tử (điện thoại, đài, ti vi, internet) hay in ấn (tạp chí, sách, báo), các mạng liên lạc, ngôn ngữ hiểu được bởi hai bên, văn học và sự sẵn sàng cũng như khả năng giao tiếp (sự nhạy bén, tinh tế, sẵn sàng lắng nghe và đối thoại). Sự giao tiếp càng cao, cộng đồng càng mạnh. (Đối với một tổ chức, đó là các phương tiện, trang thiết bị truyền thông sẵn có cho nhân viên). Thông tin liên lạc kém có nghĩa là một cộng đồng hay tổ chức yếu.

Sự tự tin:

Sự tự tin của toàn thể cộng đồng được thể hiện qua các cá nhân như thế nào? Chẳng hạn như sự tin rắng cộng đồng có thể làm được những điều mà nó muốn. Đó là những thái độ tích cực, sự sẵn sằng, tự động viên, sự đam mê, lạc quan, và tự chủ chứ không phải thái độ phụ thuộc, là sự sẵn sàng tranh đấu vì quyền lợi của cộng đồng chứ không phải sự thờ ơ và tư lợi, là tầm nhìn về những điều có thể. Sự gia tăng sức mạnh có nghĩa là gia tăng sự tự tin.

Hoàn cảnh (Chính trị và cai quản):

Một cộng đồng mạnh sẽ có khả năng trở nên mạnh hơn nếu nó tồn tại trong một môi trường thuận lợi cho việc phát huy sức mạnh đó. Môi trường đó bao gồm (1) chính trị (thái độ và hệ giá trị của các nhà lãnh đạo quốc gia, luật pháp và lập pháp) và (2) sự cai quản (thái độ của công chức, các quy định và thủ tục của chính quyền). Môi trường lập pháp. Khi các chính trị gia, lãnh đạo và công chức cũng như các quy định và luật lệ đi theo phương thức cung cấp một cách áp đặt, cộng đồng sẽ yếu đi, nhưng nếu theo phương thức cho phép cộng đồng tự hành động trên cơ sở tự giúp mình, cộng đồng sẽ mạnh lên. Các cộng đồng chỉ mạnh lên nếu tồn tại trong môi trường cho phép.

Thông tin:

Không chỉ đơn thuần là có thông tin liên lạc, sức mạnh của cộng đồng phụ thuộc vào việc xử lý và phân tích thông tin như thế nào, mức độ hiểu biết, kiến thức và nhận thức giữa các thành viên chủ chốt và giữa các nhóm chính trong cộng đồng ra sao. Khi thông tin hiệu quả và hữu ích hơn chứ không phải là nhiều hơn, cộng đồng sẽ mạnh. (Lưu ý rằng nhân tố thông tin khác với nhân tố giao tiếp trình bày ở trên).

Sự tham gia:

Mức độ hiệu qủa của việc thúc đẩy cộng đồng (động viên, đào tạo quản lí, nâng cao nhận thức) như thế nào? Các nguồn lực trong và ngoài cộng đồng có làm cho cộng đồng trở nên suy yếu hay thử thách cộng đồng trở nên mạnh hơn? Sự tham gia của cộng đồng là bền vững hay chỉ phụ thuộc vào các nhà tài trợ với những mục tiêu và lịch trình khác nhau? Khi một cộng đồng có nhiều nguồn thúc đẩy, nó sẽ có nhiều sức mạnh.

Khả năng lãnh đạo:

Các nhà lãnh đạo có quyền lực, sức ảnh hưởng và khả năng để chuyển dịch cộng đồng. Lãnh đạo càng hiệu quả, cộng đồng càng mạnh. Tất nhiên đây không phải là nơi để tranh luận về lý tưởng theo đuổi giữa dân chủ hay tham gia, đối lập với độc tài, chuyên quyền, nhưng sự lãnh đạo hiệu quả và bền vững nhất (nhằm củng cố sức mạnh cộng đồng chứ không phải để củng cố quyền lực) phải là sự lãnh đạo tuân theo những quyết sách và mong muốn của toàn thể cộng đồng, với vai trò thúc đẩy và hỗ trợ. Nhà lãnh đạo phải sở hữu những kĩ năng, sự sẵn sàng và sự mềm mỏng.

Hệ thống các mối quan hệ:

Nguồn gốc của sức mạnh không chỉ đến từ những gì bạn biết mà còn từ những ai bạn biết. (Người ta vẫn nói đùa rằng được để được tuyển dụng, bạn không chỉ cần biết làm gì mà còn cần biết những người cần biết). Mức độ các thành viên cộng đồng đặc biệt là các nhà lãnh đạo biết về các cá nhân (hay cơ quan, tổ chức của họ), những người mà có thể cung cấp những nguồn lực hỗ trợ cộng đồng như thế nào? Những mối liên kết hữu ích dù đã được biết đến hay dưới dạng tiềm năng tốn tại trong và cả với bên ngoài cộng đồng. Hệ thống đó càng hiệu quả, cộng đồng, tổ chức càng mạnh. (Sự cô lập chỉ làm cộng đồng yếu đi).

Sự tổ chức:

Mức độ mà các thành viên cộng đồng tự nhìn nhận mình như là một mắt xích trong toàn thể cộng đồng (đối lập với tập hợp một nhóm cá thể), bao gồm (theo ý nghĩa xã hội học) sự thống nhất về tổ chức, cấu trúc, tiến trình, quá trình ra quyết sách, hiệu quả, phân công lao động và các chức năng vai trò bổ sung. Càng được tổ chức hiệu quả, năng lực cộng đồng càng tăng.

Quyền lực chính trị:

Mức độ theo đó các thành viên cộng đồng có thể tham gia vào quá trình ra quyết sách ở cấp trung ương và địa phương. Cũng như việc các thành viên trong một cộng đồng có mức độ quyền lực khác nhau, các cộng đồng trong một địa phương hay một quốc gia cũng vậy. Một cộng đồng hay tổ chức được thực hiện nhiều quyền hơn, năng lực càng cao hơn.

Kĩ năng:

Khả năng thể hiện bởi các cá nhân, đóng góp cho sự tổ chức cộng đồng và khả năng đạt được những gì mà cộng đồng muốn. Đó là các kĩ năng công nghệ kỹ thuật, các kĩ năng tổ chức, quản lí động viên. Cộng đồng càng đạt được và sử dụng được nhiều kĩ năng, cộng đồng đó càng trở nên mạnh hơn.

Sự tin cậy:

Mức độ các thành viên cộng đồng tin cậy lẫn nhau, đặc biệt là với các nhà lãnh đạo công chức. Điều này phản ánh mức độ thống nhất trong cộng đồng (sự trung thực, sự tín nhiệm, sự cởi mở, sự minh bạch, sự tin tưởng). Sự tin cậy càng cao cộng đồng càng mạnh. (Sự dối trá, tham nhũng, bòn rút nguồn lực đóng góp cho sự suy yếu của cộng đồng).

Sự thống nhất:

Một nhận thức chung của các thành viên cộng đồng rằng họ thuộc về một thực thể lớn, dù họ có những khác biệt (tôn giáo, giai cấp, địa vị, thu nhập, tuổi tác, giới tính, sắc tộc), mức độ mà các thành viên cộng đồng sẵn sàng dung hòa những dị biệt để làm việc và hợp tác cùng nhau, tìm kiếm nhận thức về mục tiêu, tầm nhìn và những giá trị chung. Khi một cộng đồng hay tổ chức trở nên thống nhất, nó mạnh hơn. (Thống nhất không có nghĩa là cào bằng ai cũng như ai mà là sự hòa hợp những dị biệt cho mục đích chung).

Sự giàu có:

Mức độ mà tất cả các thành viên cộng đồng (chứ không chỉ vài cá nhân) có thể kiểm soát các nguồn lực thực có cũng như tiềm năng, bao gồm sự sản xuất và phân phối hàng hóa và dịch vụ, các nguồn lực tiền tệ và cả phi tiền tệ (sức lao động, đất đai, trang thiết bị, vật tư, tri thức, kĩ năng). Cộng đồng càng giàu có thì càng mạnh. (Khi các cá nhân, gia đình hay các phân nhóm tham lam tích trữ của cải cho riêng mình trên lợi ích của cộng đồng, cộng đồng sẽ bị suy yếu).

Sáu Phương Diện Văn Hóa Trong Cộng Đồng:

Ở trên chúng ta đã nhắc đến phương pháp trao quyền cho cộng đồng liên quan đến 6 phương diện của văn hóa và 5 nguyên tắc để phát huy chúng. Ở đây các phương diện sẽ được đề cập chi tiết.

Phương Diện Khoa Học Kĩ Thuật Của Văn Hóa:

Phương diện kĩ thuật của văn hóa thể hiện qua tư bản sản xuất, công cụ sản xuất, kĩ năng và cách thức ứng xử với môi trường. Đó là sự tương tác giữa con người và tự nhiên.

Cần nhớ rằng phương diện kĩ thuật của văn hóa không phải là bản thân những công cụ, tư liệu sản xuất đó mà chính là những ý tưởng và hành động được truyền lại qua các thế hệ cho phép con người sáng tạo, sử dụng và dạy lẫn nhau. Kĩ thuật cũng giống như các phương diện khác của văn hóa, nó có tính biểu tượng. Kĩ thuật là văn hóa.

Phương diện này được các nhà kinh tế học gọi là tư bản thực (đối lập với tư bản tài chính). Đó là những thứ được làm ra không phải cho tiêu dùng trực tiếp mà để gia tăng sản xuất (do đó tăng sự giàu có) trong tương lai; đó là đầu tư

Trong phát triển năng lực, kĩ thuật là một trong 16 nhân tố sức mạnh tăng lên khi cộng đồng trở nên mạnh hơn. Trong cuộc chiến chống đói nghèo, đó là một trong những bộ vũ khí chủ lực.

Đối với cá nhân, phương diện kĩ thuật thể hiện qua ngôi nhà, tiện nghi và cơ sở vật chất sinh hoạt của họ bao gồm thiết bị dụng cụ nhà bếp, cửa chính, cửa sổ, giường và đèn chiếu. Ngôn ngữ một trong những đặc tính quan trọng của loài người, cũng thuộc về phương diện kĩ thuật (đó là một công cụ). Nó còn bao gồm cả những phương tiện truyền thông như đài báo, ti vi, điện thoại, sách vở, máy tính...

Đối với một tổ chức, kĩ thuật bao gồm bàn ghế, máy tính, giấy, bút, không gian văn phòng, điện thoại, phòng vệ sinh và phòng ăn. Một vài tổ chức còn có những phương tiện kĩ thuật đặc thù như các quả bóng và đồng phục cho các câu lạc bộ, phấn bảng và bàn ghế cho trường học, bệ thờ trong nhà thờ, súng và dùi cui cho lực lượng cảnh sát, máy thu phát tín hiệu và micro cho đài phát thanh.

Đối với một cộng đồng, phương tiện kĩ thuật công bao gồm các cơ sở vật chất công cộng như nhà vệ sinh, điểm cấp nước, đường xá, chợ, trạm xá, trường học, biển báo, công viên, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, sân vận động. Các công trình sở hữu tư bao gồm các cửa hàng, xí nghiệp, nhà và quán ăn.

Khi một nhà động viên khuyến khích cộng đồng xây dựng một nhà vệ sinh hay giếng nước, kĩ thuật mới được giới thiệu. Giếng nước hay nhà vệ sinh đó cũng giống như các phương tiện kĩ thuật khác chẳng hạn máy tính hay cái búa. Đó là một sự đầu tư.

Nhìn chung, kĩ thuật là phương diện dễ nhận biết nhất trong 6 phương diện văn hóa đề cập đến khi giới thiệu những biến đổi văn hóa và xã hội. Việc giới thiệu một máy nghe đài mới sẽ dễ dàng hơn là đưa ra một tín ngưỡng tôn giáo mới, một hệ giá trị mới hay một kiểu gia đình mới. Nghịch lí là việc giới thiệu công cụ kĩ thuật mới cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi trong các phương diện khác của văn hóa.

Nên nhớ rằng luôn có những ngoại lệ; trong xã hội Amish chẳng hạn, có những quyết sách cộng đồng được ý thức rộng rãi về việc chống lại việc đưa ra những kĩ thuật mới. Họ sống dựa trên sự bảo thủ những kĩ thuật lạc hậu (không máy kéo, ô tô, không đường xá) mà chỉ có xe ngựa, cái cày để khẳng định bản sắc văn hóa của họ.

Những thay đổi này không dễ để dự đoán trước, và cũng không phải lúc nào cũng theo hướng kì vọng. Sau khi chúng xảy ra, người ta mới nhận ra logic thậm chí khi không được dự đoán trước.

Xuyên suốt quá trình lịch sử của loài người, kĩ thuật ngày càng trở nên phức tạp, tinh vi với sự kiểm soát năng lượng tốt hơn. Hình thái này không ngay tức khắc thay thế hình thái khác mà qua một giai đoạn nhất định. (những chiếc xe ngựa không ngay lập tức biến mất mà phải sau một thế kỉ khi ô tô ra đời).

Thường thì sự thay đổi sẽ phải tích lũy dần dần, những công nghệ cũ chết dần khi chúng trở nên kém hiệu quả và tốn kém hơn. Săn bắt và hái lượm nhường chỗ cho trồng trọt (trừ một số tộc người còn sót lại hiện nay). Cứ như thế, công nghiệp thay cho nông nghiệp. Những người còn sử dụng những công cụ thô sơ lạc hậu thường là những người nghèo và bị đẩy ra bên lề xã hội phát triển. Ở những nơi khoa học kĩ thuật tiên tiến, (công nghệ thông tin, máy tính, internet), cũng chỉ có một số ít người được tiếp cận và sử dụng.

Những công nghệ được đưa ra bởi một nhà động viên cộng đồng cũng có thể là về y tế (trạm xá và thuốc men), sức khỏe (nước sạch, vệ sinh), trường học hay hệ thống chợ được che chắn cho các khu nông thôn. Trước khi được thúc đẩy đến với những công nghệ ấy, những người dân ở đó không phải là không biết gì về chúng; đơn giản chỉ vì họ không thể có được chúng. Nhà động viên phải lường trước những thay đổi trong các phương diện văn hóa khác do thay đổi về công nghệ kĩ thuật mang lại.

Phương Diện Kinh Tế Của Văn Hóa:

Phương diện kinh tế của cộng đồng là những phương thức và phương tiện khác nhau để sản xuất và phân bổ các nguồn lực khan hiếm (hàng hóa, dịch vụ, của cải), dưới hình thức biếu tặng, dâng nộp, trao đổi hàng hóa, trao đổi thương mại hay phân bổ của nhà nước.

Không phải những yếu tố vật chất như tiền làm nên phương diện kinh tế của văn hóa mà là những hành động ý tưởng đã mang lại giá trị của tiền bạc sử dụng bởi những người đã tạo ra hệ thống kinh tế đó. Sự giàu có không chỉ là tiền bạc, cũng giống như nghèo không hẳn là một sự thiếu thốn của cải vật chất.

Sự giàu có là một trong 16 nhân tố của sức mạnh cộng đồng. Khi một tổ chức hay cộng đồng càng giàu có (có khả năng tự kiểm soát), nó càng mạnh và càng có khả năng đạt được những gì mong muốn.

Trong tiến trình lịch sử của nhân loại, khuynh hướng chung của biến đổi hình thái kinh tế là từ đơn giản đến phức tạp. Một hình thái mới không lập tức thay thế hình thái cũ mà chuyển đổi dần dần cho đến khi cái cũ biến mất.

Trong một nhóm người, của cải (bất cứ thứ gì khan hiếm và hữu dụng) được phân phối chủ yếu bằng nghĩa vụ gia đình. Khi ai đó trở về nhà với một lượng thức ăn hay quần áo, chúng sẽ được chia cho các thành viên khác mà không cần mong được nhận lại gì.

Khi xã hội ngày càng phức tạp, các tộc người tiếp xúc với nhau và đạt được những hình thức giao thương đơn giản nhất. Phân phối trong mỗi gia đình dường như không thay đổi nhiều. Khi trao đổi hàng trở nên phức tạp và tinh vi hơn, các thể chế mới được thiết lập để làm đơn giản hóa công việc kế toán bao gồm: tiền tệ, tài khoản, ngân hàng,tín dụng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ. Điều này không lập tức xóa bỏ những hình thức trao đổi cũ nhưng trao tặng dần dần thu hẹp so với các hình thức phân phối khác, và trao đổi hàng cũng vậy.

Cần ghi nhớ rằng tiền tệ không có giá trị nội tại. Nó có giá trị vì xã hội cộng đồng hay nền văn hóa đó đã gắn giá trị cho nó. Một tờ 10 euro chẳng hạn có thể dùng để nhóm lửa hay cuốn thuốc lá nhưng giá trị bề mặt của nó lớn hơn thế nhiều.

Trong bất cứ cộng đồng nào, chúng ta cũng có thể thấy rất nhiều hình thức phân phối của cải. Người động viên cộng đồng phải xác định được đó là những hình thức nào, những gì được trao đổi hay mua bán. Trong nhiều xã hội, một vài dạng của cải không được mua bán ví dụ như bạn tình, vợ chồng, con cái, giải trí. Nhà động viên phải tỉm ra cách thức phân phối cũng như điều kiện và người tham gia.

Khi một cộng đồng quyết định phân bổ nguồn nước trên cơ sở tỉ lệ ngang nhau cho mọi cư dân, hay dựa trên số tiền thanh toán cho mỗi thùng nước khi lấy tức là đã có sự lựa chọn giữa hai hệ thống phân phối kinh tế khác nhau.

Người cổ vũ cần khuyến khích cộng đồng lựa chọn những gì mình muốn nhưng phải phù hợp với những giá trị và thái độ phổ biến. (Một người động viên cộng đồng giỏi không bao giờ cố áp đặt ý kiến riêng của họ về phương pháp phân phối hiệu quả nhất. Tất cả các thành viên cộng đồng phải đi đến một kết luận thống nhất).

Phương Diện Chính Trị Của Văn Hóa:

Phương diện chính trị của văn hóa là tất cả những cách thức và phương tiện mà qua đó quyền lực và sự ra quyết sách được phân bổ. Nó không giống như hệ tư tưởng, một phần của phương diện giá trị. Nó bao gồm chứ không phải chỉ đơn thuần là hệ thống chính quyền và sự cai quản. Nó bao gồm cả cách thức mà một cộng đồng đưa ra quyết sách khi không có nhà lãnh đạo xuất chúng nào.

Quyền lực chính trị là một trong 16 nhân tố của sức mạnh hay năng lực cộng đồng. Cộng đồng càng có nhiều quyền lực và sự ảnh hưởng, nó càng có nhiều khả năng đạt được những gì mình muốn.

Người cổ vũ cộng đồng phải có khả năng xác định rõ những thành phần lãnh đạo khác nhau trong một cộng đồng. Một vài trong số họ có quyền lực dòng dõi cha truyền con nối, số khác có những phẩm chất được kính trọng. Khi làm việc với một cộng đồng, người cổ vũ phải có khả năng phát triển hệ thống quyền lực và năng lực đưa ra các quyết sách hiện có để mang lại lợi ích cho toàn cộng đồng chứ không phải cho một vài cá nhân.

Trong suốt chiều dài lịch sử, quyền lực lãnh đạo sơ khai được phân tán, lâm thời và rất nhỏ. Trong một nhóm săn bắt và hái lượm, nhà lãnh đạo có thể là bất cứ ai có thể gợi ý hay tổ chức một cuộc đi săn. Trong những nhóm nhỏ hơn thì hoàn toàn không có người lãnh đạo, các nhà nhân loại học gọi đó là bầy đàn.

Lịch sử phát triển, các hệ thống chính trị trở nên ngày càng phức tạp, và quyền lực cũng như sức ảnh hưởng ngày càng lan tỏa đến nhiều người. Mức độ phát triển của hệ thống chính trị đi từ bầy, đàn, bộ tộc, đến vương quốc và nhà nước.

Trong một nhóm người đơn giản, sự chênh lệch về quyền lực là rất nhỏ. Nhưng bạn có thấy sự khác biệt đó giữa tổng thống Hoa Kì và những nhân viên vệ sinh cọ toilet ở những nhà nghỉ lụp xụp ngoại ô Oashington?

Tất cả mọi cộng đồng, gồm cả nơi mà bạn đang làm việc đều có hệ thống chính trị và khoảng cách quyền lực nhất định giữa các cá nhân và nhóm nhỏ. Nhiệm vụ đầu tiên của người động viên cộng đồng là phải hiểu được hệ thống đó, sự chênh lệch đó và những thay đổi đang diễn ra.

Người động viên cộng đồng phải có những ảnh hưởng nhất định lên sự phân bổ quyền lực khi thiết lập ủy ban phát triển cộng đồng. Anh/chị cũng có trách nhiệm khuyến khích sinh hoạt chính trị sôi động hơn, nếu như đó là tổ chức chính trị đầu tiên được lập ra trong cộng đồng.

Phương Diện Thể Chế Của Văn Hóa:

Phương diện thể chế hay tổ chức xã hội của văn hóa bao gồm cách thức mà con người hành động và tương tác lẫn nhau. Nó bao gồm các thể chế tổ chức như hôn nhân, tình bạn, các vai trò như làm mẹ, làm cảnh sát, địa vị hay tầng lớp hoặc các kiểu hành vi của con người.

Phương diện thể chế của xã hội là thứ mà những người không nghiên cứu chuyên sâu nghĩ tới khi họ nghe từ xã hội học. Thực ra đó chỉ là một trong 5 phương diện của sự tổ chức xã hội (văn hóa) mà thôi.

Phương diện này cho thấy cách thức ứng xử của con người, những kì vọng, giả tưởng, phán xét, dự đoán, phản ứng đối với nhau. Đôi khi những cách thức đó thể hiện thành vai trò và địa vị của mỗi người cũng như sự hình thành của các nhóm và thể chế khác nhau.

Một bà mẹ chồng chẳng hạn vừa là một vai trò vừa là một thể chế. Trong một cộng đồng, sự tổ chức xã hội là tổng hòa của tất cả các mối quan hệ và kiểu ứng xử đó.

Mức độ tổ chức (sự phức tạp của cấu trúc), mức độ phân chia lao động, phân chia vai trò và chức năng, là một trong 16 nhân tố sức mạnh hay năng lực của cộng đồng. Cộng đồng càng được tổ chức hiệu quả (người động viên có thể giúp cộng đồng tổ chức sao cho hiệu quả), năng lực đạt được những mục tiêu chung càng cao.

Cũng giống như với những phương diện khác, sự dịch chuyển có khuynh hướng đi từ đơn giản đến phức tạp. Trong một xã hội sơ khai, cộng đồng hay xã hội chỉ dừng lại ở quy mô gia đình. Gia đình quyết định tất cả các vai trò và địa vị. Khi xã hội trở nên phức tạp hơn, trước tiên quy mô gia đình phức tạp hơn, các mối quan hệ phi gia đình phát triển và được công nhận. Sau đó chính mối quan hệ huyết thống giảm dần vai trò và nhường chỗ cho những mối quan hệ khác.

Mỗi lần một vai trò mới với những bổn phận, nghĩa vụ, quyền lợi và kiểu ứng xử mới xuất hiện, xã hội lại phức tạp hơn. Nếu nhà động viên cộng đồng cổ xúy cho sự thiết lập một ủy ban phát triển mới với những vị trí công việc và thành viên mới, cộng đồng do đó cũng sẽ trở nên phức tạp hơn.

Một cộng đồng nhỏ không trường học hay trạm y tế rất có thể là một tổ hợp có quan hệ huyết thống hoặc qua hôn nhân. Nếu bạn thúc đẩy cộng đồng xây dựng chúng và thiết lập những vai trò mới như giáo viên, hay nhân viên y tế được trả lương, đồng thời cũng đã làm cộng đồng phức tạp hơn.

Với ý nghĩa đó, phương diện xã hội cũng giống như phương diện kĩ thuật ở chỗ kém phức tạp hơn những phương diện khác. Xét trên tổng thể sáu phương diện, bất cứ sự thay đổi nào trong một phương diện nhất định cũng sẽ kéo theo sự thay đổi trong những phương diện khác.

Người cổ vũ muốn đạt được thành công phải biết được đâu là những thể chế của địa phương, vai trò khác nhau của nữ giới và nam giới và các tương tác xã hội.

Phương Diện Giá Trị Thẩm Mĩ Của Văn Hóa:

Phương diện giá trị thẩm mĩ của văn hóa là hệ thống các ý niệm đôi khi mâu thuẫn, không thống nhất hay đối lập nhau của con người về tốt và xấu, xinh và xấu, đúng và sai. Đó là những biện hộ cho hành vi của con người.

Ba trục này cùng với cách thức con người đưa ra những phán xét đều phụ thuộc vào những gì mà họ được học từ nhỏ: cái gì là đúng, là sai, là đẹp, là xấu. Tất cả đều dựa trên hệ giá trị của cộng đồng và xã hội.

Chúng không được truyền lại qua hệ thống gien của chúng ta mà qua quá trình xã hội hóa, tức là chúng được học. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta có thể thay đổi cách phán xét, nhìn nhận của mình. Tuy nhiên, hệ giá trị của một cộng đồng là rất khó thay đổi, nhất là khi những thành viên của nó cho rằng bạn đang nỗ lực để bắt họ thay đổi. Họ sẽ thay đổi một khi các chuẩn mực thay đổi, nhưng sự thay đổi đó không thể vội vã hay nhờ vào những nỗ lực ảnh hưởng của bên ngoài.

Các giá trị chung của cộng đồng có vai trò quan trọng đối với bản sắc của nó cũng như của các cá thể. Người ta là những gì thể hiện qua những giá trị mà họ tôn thờ. Mức độ mà các thành viên cộng đồng hay tổ chức chia sẻ các giá trị chung hay tôn trọng những hệ giá trị của nhau là một trong những nhân tố của sức mạnh hay năng lực cộng đồng.

Các giá trị có xu hướng thay đổi khi cộng đồng trở nên phức tạp hơn, nhiều dị biệt hơn và kết nối rộng rãi hơn với thế giới bên ngoài. Những thay đổi trong hệ giá trị thường bắt nguồn từ những thay đổi về khoa học kĩ thuật và tổ chức xã hội, chứ không phải trực tiếp từ những bài thuyết giảng hay răn dạy.

Sự thay đổi dường như không đi theo một hướng chung trong lịch sử loài người, rằng sự phán xét trở nên tự do, dung hòa, công tư, linh hoạt nhiều hơn hay ít hơn. Các cộng đồng trong dải phức tạp xã hội ở cả hai cực điểm đều có những chuẩn mực cứng nhắc nhất định. Và dường như không phụ thuộc vào phạm vi đó, trong mỗi gia đình cũng có những quy chuẩn nhất định. Các cộng đồng nhiều dị biệt và ở các khu đô thị thì càng có sự khác biệt lớn hơn trong các chuẩn giá trị và thẩm mĩ.

Nhà động viên cộng đồng sẽ khó có thể biết trước được những chuẩn giá trị đó cho tới khi họ tới sống và làm việc cùng cộng đồng. Tuy vậy ý thức được vai trò quan trọng của mình, nhà động viên cộng đồng cần phải học hỏi về những chuẩn mực trong cộng đồng càng nhiều càng tốt, và không bao giờ tự cho rằng họ cũng giống như mình mà thôi.

Dù việc đưa ra những cơ sở vật chất và dịch vụ mới trong cộng đồng cuối cùng cũng sẽ làm thay đổi các chuẩn mực của họ, các nhà động viên cộng đồng phải đề xuất những ý kiến phù hợp với hệ giá trị phổ biến trong cộng đồng. Và ngay cả khi những giá trị đó mang tính mâu thuẫn hay dị biệt, thì chúng cũng cần được cân nhắc kĩ càng.

Phương Diện Khái Niệm Tín Ngưỡng Của Văn Hóa:

Phương diện khái niệm tín ngưỡng của văn hóa là một hệ thống những ý niệm đôi khi mâu thuẫn nhau của con người về tự nhiên và vũ trụ, thế giới xung quanh, vai trò của con người, hệ nhân quả cũng như là bản chất của thời gian vật chất và hành vi.

Phương diện này đôi khi được hiểu là tôn giáo. Thực ra nó rộng hơn nhiều và bao gồm cả ý niệm về thẩm mĩ, hoặc về Chúa chẳng hạn. Nó bao gồm tất cả những ý niệm chung về sự hình thành, hoạt động và thực tế tồn tại của vũ trụ

Khi một nhà động viên làm rơi một chiếc bút xuống sàn nhà chẳng hạn, anh ta có thể giaỉ thích đó là do trọng lực. Nhưng khi anh ta nói mặt trời mọc vào buổi sáng (thực ra không phải thế mà là do trái đất quay), anh ta đang thể hiện một quan điểm đã lạc hậu.

Nếu cộng đồng coi người động viên như một kẻ tấn công vào tín ngưỡng truyền thống của họ. công việc của anh ta sẽ bị cản trở, phản đối và dẫn đến thất bại. Dù muốn phản bác lại những niềm tin đó của họ, người động viên cộng đồng phải tỏ ra rằng anh ta không muốn bắt họ phải thay đổi.

Trong suốt quá trình tồn tại của loài người, xu hướng thay đổi chung của các tín ngưỡng đó là sự giảm đi số lượng các vị thần và sự suy giảm từ của cả quan điểm nhạo báng thần thánh và thế tục. Từ chỗ tín ngưỡng đa thần đến đơn thần và số lượng người không tin vào thần thánh cũng tăng lên.

Theo trải nghiệm của loài người, những nhóm người có thờ vị thần truyền thống địa phương họ thường có xu hướng dễ dung hòa với các tín ngưỡng khác hơn là những người theo những tôn giáo chính thống. Các cuộc chiến tranh đã nổ ra vì mâu thuẫn tôn giáo (nghịch lí là tất cả các tôn giáo lại đều kêu gọi hòa bình và hóa hợp). Đó cũng là một sự cảnh giác cho các nhà hoạt động về mức nhiệt huyết bảo vệ tín ngưỡng riêng của nhiều cộng đồng.

Người cổ vũ cộng đồng phải ý thức được những tín ngưỡng phổ biến trong cộng đồng. Để có thể xúc tác thành công cải tạo xã hội, người cổ vũ phải đưa ra những gợi ý và khuyến khích những hành động không xúc phạm đến những tín ngưỡng đó và phải phù hợp với cả những ý niệm và niềm tin đang tồn tại về cách thức hoạt động của vũ trụ.

Nhân Tố Con Người và Sức Mạnh Cộng Đồng

Một trong số những lợi ích của việc sử dụng phương pháp tiếp cận Nhân Tố Con Người để lí giải về xã hội và văn hóa là phương pháp này xem xét toàn diện thực thể, cả về các mặt tinh thần, kĩ thuật, kinh tế, xã hội, chính trị và những đặc tính có thể đánh giá được.

Điều này hỗ trợ việc sử dụng sáu phương diện văn hóa để tìm hiểu và nghiên cứu về xã hội và văn hóa. Sáu phương diện đó bao gồm: khoa học kĩ thuật, kinh tế, chính trị, thể chế, tư tưởng và ý niệm về thế giới. Sáu phương diện này rất hữu ích trong việc soạn thảo các tài liệu địa lí tôn giáo để giảng dạy về bản chất của văn hóa, và phát triển các chiến lược nghiên cứu. (5)

Phát triển cộng đồng và trao quyền cộng đồng đều thuộc về khoa học xã hội học ứng dụng. Cả hai phương pháp đều sẽ không thể thành công nếu không tính đến nhân tố con người. Một cộng đồng là một định chế xã hội, một phần của văn hóa gồm những ý niệm và hành vi của con người. Để cộng đồng phát triển và trở nên mạnh hơn, sự phát triển đó phải được đặt trong hoàn cảnh của những con người hình thành nên cộng đồng đó. Vì phương pháp Nhân Tố Con Người giải phẫu toàn diện một cá thể nên trao quyền cho cộng đồng phải xem xét toàn thể cộng đồng với tư cách một cá thể như vậy.

Lưu ý cuối

1. Tiếp biến văn hóa và xã hội hóa được mô tả cụ thể hơn trong trang trao quyền cho cộng đồng.

Xem: ../../cmp/modules/edu-int.htm

2. Đây được gọi là quan điểm xã hội học.

Xem: ../../cmp/modules/per-int.htm.

3. Mười sáu nhân tố sức mạnh được đề cập trên trang Trao Quyền Cho Cộng Đồng

Xem: ../../cmp/modules/mea-int.htm.

4. Những đóng góp lớn của Weber được liệt kê trên trang trao quyền cho cộng đồng.

Xem: ../../cmp/modules/cla-webr.htm.

5. Sáu phương diện văn hóa được mô tả trên trao quyền cho cộng đồng

Xem: ../../cmp/modules/dim-int.htm

Tài liệu tham khảo:

Bartle, Phil, 2005, Giới Thiệu về Xã Hội Học Cộng Đồng. Camosun College, Victoria,

Henslin, James M., Dan Glenday, Ann Duffy and Norene Pupo. 2004. Xã Hội Học: Phương Pháp Tiếp Cận Thực Tế, Third Canadian Edition. Toronto: Pearson

Weber, Max, 1946, Từ Max Weber; Các Bài Luận về Xã Hội Học. (H Gerth & C. Wright Mills, trans and ed), New York, Oxford

––»«––

© Bản quyền 1967, 1987, 2007 Phil Bartle
Thiết kế web bởi Lourdes Sada
──»«──
Cập nhật lần cuối: 2012.01.14

 Trang chủ

  Trang bị sức mạnh cho cộng đồng